Hóa học là một môn khoa học cơ bản, đã có từ lâu đời và trở thành một nền tảng khoa riêng áp dụng cho mọi mặt đời sống và ảnh hưởng đến rất nhiều hoạt động sản xuất kỹ thuật trong sản xuất công nghiệp hiện đại. Và ngày nay, hóa học đã không chỉ bó gọn trong lĩnh vực hóa học mà còn là một ngành khoa học của cuộc sống. Trong giai đoạn phát triển công nghiệp hóa hiện đại hóa, hóa học lại càng phát huy vai trò và vị trí của mình. Hóa học trở thành bộ phận không thể thiếu ở nhiều ngành sản xuất, thu hút một lượng lớn lao động liên quan.
Rất nhiều lĩnh vực sản xuất liên quan đến hóa học như: lọc – hóa dầu, hóa dược, sản xuất sản phẩm hóa hữu cơ, hóa vô cơ, sản xuất thực phẩm, hóa chất tiêu dùng, xi măng, phân bón…

Lựa chọn ngành kỹ thuật hóa học hay công nghệ hóa học?

Hiện nay, ngành công nghệ hóa học thiên về việc đào tạo khối chương trình kiến thức chính về hóa học, cũng như phát triển đào tạo các mảng kiến thức chuyên môn hóa học liên quan đến các hệ thống sản xuất trong sản xuất công nghiệp.
Ngành kỹ thuật hóa học lại tập trung đào tạo các quy trình hóa học công nghiệp, quy trình và các công thức hóa học ở mức độ công nghiệp để người học sau khi ra trường có thể đáp ứng được các yêu cầu công việc chuyên môn trong các nhà máy lớn.

Cơ hội việc làm nghề nghiệp của ngành công nghệ hóa học

1/ Nhà nghiên cứu
Liên tục tìm tòi, tạo ra những sản phẩm hóa học mới với những tính năng mới, hợp chất hữu cơ hay vô cơ mới, các công nghệ sản xuất mới v.v… là công việc của nhà khoa học trong lĩnh vực Công nghệ hóa học. Bạn có thể dựa vào một trường đại học, kết hợp nghiên cứu với giảng dạy; trong một công ty dược phẩm, nghiên cứu phát triển và đang thử nghiệm loại thuốc mới; hoặc trong một trung tâm nghiên cứu cộng đồng, giúp đảm bảo cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe quốc gia giữ nhịp với những khám phá mới.
Các lĩnh vực làm việc:
  • Làm việc trong các trường đại học, cao đẳng và trung cấp, phổ thông làm công việc đào tạo các thế hệ sinh viên và học viên trong lĩnh vực Công nghệ hóa học.
  • Làm việc trong các viện hàn lâm và viện nghiên cứu.
  • Làm việc trong lĩnh vực nghiên cứu chế tạo và phát triển các loại dược phẩm, thực phẩm, mỹ phẩm
2/ Kỹ sư vận hành/Kỹ sư quản lý điều hành
Nhà kỹ thuật là cầu nối biến các nghiên cứu công nghệ trong phòng thí nghiệm thành những dây chuyền sản xuất trong các nhà máy, xí nghiệp để làm ra các sản phẩm chúng ta vẫn dùng hàng ngày.


Trở thành một kỹ sư điều hành, bạn sẽ làm việc trong các nhà máy, xí nghiệp, điều khiển và giám sát hoạt động của một hay một số dây chuyền sản xuất. Hoạt động và hiệu quả dây chuyền sản xuất phụ thuộc vào năng lực làm việc của bạn. So với người thiết kế ra công nghệ kỹ sư hóa học là người đi sau, được đào tạo tốt hơn, được cập nhật các kiến thức mới hơn, trên cơ sở đó có thể đưa ra một phương pháp sản xuất mới hiệu quả hơn.

Các lĩnh vực làm việc:
  • Làm việc trong lĩnh vực sản xuất các sản phẩm vô cơ như các hóa chất vô cơ, phân bón, màu cho sơn, vẽ, gốm sứ, nguyên liệu cho công nghiệp điện tử và bán dẫn v.v…
  • Làm việc trong lĩnh vực sản xuất các sản phẩm hữu cơ như polime, phim mỏng, vật liệu phủ, vải sợi, xenlulô, giấy, thuốc nhuộm, chất nổ, cao su, thuốc phóng tên lửa thăm dò vũ trụ, dung môi, dầu khí, hóa chất bảo vệ nông nghiệp và hóa dược v.v…
  • Làm việc trong lĩnh vực vật liệu như graphit, cacbua, ăn mòn và chống ăn mòn, pin khô, pin ướt, pin nhiên liệu và các hệ thống bao gồm các vật liệu phức tạp khác.
  • Làm việc trong lĩnh vực mạ điện, luyện kim và nguyên liệu cho các quá trình công nghiệp.
  • Làm việc trong lĩnh vực thực phẩm, ngành công nghệ thực phẩm.
  • Làm việc trong ngành công nghiệp lên men để sản xuất các chất kháng sinh, thực phẩm bổ sung cũng như các sản phẩm hóa sinh khác.
  • Làm việc trong lĩnh vực công nghệ sinh học ứng dụng. Đây là một ngành rộng lớn, bao quát từ hoạt động của vi sinh vật và tế bào đến công nghệ enzym, sản xuất đồ ăn nhân tạo và trong lĩnh vực y sinh, sản xuất các bộ phận thay thế, các cơ quan nhân tạo cho con người.
  • Làm việc hiệu quả trong các lĩnh vực xử lý chất thải, xử lý ô nhiễm môi trường, bảo vệ môi trường sống, sản xuất sạch và công nghệ năng lượng sạch như năng lượng mặt trời, năng lượng hạt nhân v.v…
3/ Một nhà tư vấn quản lý hay chuyển giao công nghệ
Khi đã sở hữu một khối lượng kiến thức khá đầy đủ về Công nghệ hóa học sau khi hoàn thành chương trình đào tạo ở trường cộng thêm một thời gian hoạt động thực tế, học hỏi kinh nghiệm, bạn có khả năng trở thành nhà tư vấn về quản lý hay nhà chuyển giao công nghệ cho các cơ sở sản xuất sử dụng những dây chuyền Công nghệ hóa học.
Với kiến thức và kinh nghiệm của mình, bạn cũng có thể tư vấn cho các nhà nhập khẩu, các công ty và cả Nhà nước trong việc lựa chọn nhập khẩu những dây chuyền nào phù hợp với thực tiễn hoạt động cũng như khả năng tài chính hiện có của đơn vị, tiếp nhận cơ hội làm việc với các công ty cung cấp và công ty tiếp nhận công nghệ.
4/ Nhà giáo
Bạn là cầu nối tri thức, trao kho tàng Công nghệ hóa học vào tay những người trẻ tuổi, để họ tiếp tục ứng dụng và phát triển chúng lên cao mãi. Hóa học vốn là những quá trình biến đổi không có giới hạn nên giảng dạy trong lĩnh vực này thật thú vị. Trở thành nhà giáo, bạn sẽ tìm thấy vị trí của mình trong các trường đại học, cao đẳng hay trung cấp có đào tạo về hóa học nói chung và Công nghệ hóa học nói riêng v.v…
Cũng như nhiều ngành khoa học khác, một nhà giáo trong ngành Công nghệ hóa học có thể đồng thời là nhà nghiên cứu. Các phòng thí nghiệm, trung tâm nghiên cứu của các trường đại học thường rất mạnh.
Không chỉ vậy, một nhà giáo đa năng còn có thể kiêm luôn cả vị trí của nhà kỹ thuật hay nhà tư vấn quản lý, chuyển giao công nghệ.
5/ Kỹ thuật viên PTN/Dịch giả
Có rất nhiều labo phân tích, kiểm nghiệm và công ty CNSH cũng như hóa học ở Việt Nam như Công ty Bureau Veritas, B.Braun, Intertek, Nanogen, HOYA, Terumo, Kyoto Biken, SANOFI, Mỹ Lan, Công ty CNSH Mùa Xuân…
Nhiêm vụ chính của các kỹ thuật viên là xét nghiệm, phân tích chất lượng sản phẩm của đối tác hoặc của chính công ty họ sản xuất ra.
Ngoài ra, việc am hiểu các kiến thức về công nghệ hóa học và khoa học nói chung, với vốn ngoại ngữ chuyên ngành tốt, các cử nhân và kỹ sư cũng cơ hội để trở thành một dịch giả kỹ thuật, tiếp xúc với các bằng sáng chế, các tài liệu học thuật, thiết lập báo cáo hay các văn bản kỹ thuật nói chung…
6/ Làm việc tại các quan quản lý nhà nước
Khá nhiều người tốt nghiệp CNHH được nhận vào các cơ quan quản lý nhà nước như: Bộ, Sở Tài nguyên môi trường, Bộ, Sở Khoa học-Công nghệ, Bộ, Sở Giáo dục Đào tạo, Bộ, Sở Nông nghiệp Phát triển Nông thôn… Họ sẽ trở thành cán bộ chuyên môn trong lĩnh vực họ quản lý sau nhiều năm làm việc, học tập và nghiên cứu nghiêm túc
7/ Nhân viên Kinh doanh hoặc nhân viên kỹ thuật/ Vị trí quản lý hoặc đại lý cho các hãng sản xuất của nước ngoài và công ty phân phối
Rất nhiều kỹ sư, cử nhân sau khi tốt nghiệp ngành CNHH với tố chất của nhà kinh tế sẽ trở thành những nhân viên “sale” hoặc “marketing” trong lĩnh vực kinh doanh trang thiết bị và hóa chất phòng thí nghiệm. Với những thành công đạt được trong công việc, họ có thể trở thành các nhà quản lý có năng lực chuyên môn cao.
Ngoài ra, còn rất rất nhiều các công việc khác mà một kỹ sư hay cử nhân hóa học có thể sử dụng kiến thức chuyên môn của mình mà các ngành khác không thể có được: luật sư hay trợ lý pháp lý về hóa học, môi trường; các kỹ sư thú y, các kỹ sư phát triển phần mềm hóa học chuyên sâu…
Như vậy, bước chân vào ngành Công nghệ hóa học, cơ hội việc làm của bạn rất đa dạng. Tùy vào năng lực, ước mơ và đam mê, bạn sẽ chọn lựa được cho mình một công việc hoàn toàn phù hợp.
Bạn có thể tham khảo và tìm kiếm nhu cầu tuyển dụng ở một số đơn vị như:
  • Công ty dầu khí (Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam – Chế biến Khí, Lọc Dầu Dung Quốc, Khí Điện Đạm, Thiết kế dầu Khí, Nghiên cứu Dầu Khí, Sài gòn Petro, Petrolimex,…)
  • Các công ty tư vấn thiết kế về quy trình công nghệ (Technip, Toyo,…)
  • Các công ty thực phẩm- dược phẩm (Domesco, Acecook, Ajinomoto, Sabeco, Coca-cola, Lavie,…)
  • Công ty sản xuất sản phẩm ngành hóa, hàng tiêu dùng (Unilever, P&G…)
  • Công ty xi măng (Holcim, Hà Tiên, Tây Ninh…)
  • Công ty gạch men, thủy tinh ( Viglacera, Mỹ Đức, Mỹ Ý, Vitaly,…)
  • Phân bón (Bình Điền, Đạm Cà Mau, Đạm Phú Mỹ,…)
  • Công ty về cao su và chất dẻo (Casumina, Yokohama, Kumho, Kydan…)
  • Công ty sơn (Á Đông, Kova, Bạch Tuyết, Jotun, Joton, Dulux…)
  • Hóa chất cơ bản ( hóa chất miền nam, hóa chất Tân Bình…)
  • Các công ty kinh doanh thiết bị khoa học kỹ thuật, hóa chất…
  • Văn phòng đại diện hoặc phân phối của các hãng sản xuất nước ngoài (GE Healthcare, Merck, Sigma, Thermo…)
  • Các viện nghiên cứu, trung tâm phân tích, kiểm định chất lượng… (Quatest, Case, Viện công nghệ hóa học, Viện công nghệ hợp chất thiên nhiên…)
BIOMEDIA MARKETING DEPARTMENT
(nguồn tham khảo: http://chemistry.about.com và http://hcmute.edu.vn)