Tổng quan

    Flow cytometry là kỹ thuật có khả năng đo được các đặc tính huỳnh quangquang học của một tế bào đơn hoặc các hạt như vi sinh vật, nhân và nhiễm sắc thể được chuẩn bị trong dung dịch lỏng khi chúng đi qua một nguồn sáng. Các máy flow cytometry đầu tiên là một thiết bị đơn thông số (single-parameter) chỉ được sử dụng để phát hiện kích thước của tế bào. Hiện nay, các thiết bị với độ phức tạp cao có khả năng phát hiện đồng thời 14 thông số đang được phát triển. Nguyên tắc cơ bản của kỹ thuật này liên quan tới ánh sáng tán xạ và ánh sáng huỳnh quang phát ra, được tạo ra do nguồn sáng kích thích (thường là chùm tia laze). Các thông số thu được có thể là thông tin giá trị về các khía cạnh hóa sinh, sinh lý và phân tử của hạt. Ánh sáng tán xạ trong kỹ thuật có liên quan trực tiếp tới các đặc điểm cấu trúc và hình thái học của tế bào, trong khi đó, ánh sáng huỳnh quang có nguồn gốc từ các đầu dò đánh dấu huỳnh quang, tỉ lệ thuận với lượng đầu dò huỳnh quang gắn vào tế bào và các thành phần trong tế bào. Có hai loại flow cytometry khác nhau là non-sorting (không phân loại) và sorting (phân loại). FASC (Flourescent activated cell sorters) là các máy đếm tế bào theo dòng chảy có khả năng phân loại các thế bào được đánh dấu huỳnh quang từ một hỗn hợp các quần thể tế bào.
     
     Đầu tiên, các hạt sẽ được đưa tới đèn laze trong một dòng chất lỏng. Bất kỳ hạt hòa tan hoặc tế bào nào có kích thước từ 0.2-150 µm đều phù hợp; các tế bào từ các mô rắn phải được loại bỏ trước khi phân tích. Khi các hạt đi qua tia laze, chúng tán xạ ánh sáng laze, ánh sáng tán xạ và ánh sáng huỳnh quang sẽ được thu tại thấu kính tại vị trí thích hợp. Sự kết hợp giữa bộ phận tách chùm tia và các kính lọc sẽ hướng ánh sáng tán xạ và ánh sáng huỳnh quang tới detector; cuối cùng các detector sẽ tạo ra tín hiệu điện tỉ lệ thuận với tín hiệu quang học.

     Các thành phần chính của máy flow cytometer (đếm tế bào theo dòng chảy) và cell sorter (phân loại tế bào) bao gồm: hệ dung dịch, hệ thống quang học (ánh sáng kích thích và bộ thu ánh sáng kích thích), mạng lưới điện (detector) và một máy tính. Hệ thống dung dịch có trách nhiệm điều hướng dòng dung dịch chứa các hạt tới nguồn sáng. Hệ thống quang học kích thích sẽ tập trung nguồn sáng tới các tế bào/ các hạt, còn hệ thống quang học thu nhận sẽ chuyển các ánh sáng tán xạ hoặc ánh sáng huỳnh quang tới mạng lưới điện tử. Mạng lưới điện sẽ phát hiện tín hiệu và chuyển các tín hiệu thành các thông tin số tỉ lệ thuận với cường độ ánh sáng và máy tính sẽ phân tích các thông tin này.
Kỹ thuật flow cytometry được sử dụng rộng rãi trong nhiều ứng dụng nhằm phát hiện các kháng nguyên màng, tế bào chất và nhân. Ngoài ra, toàn bộ tế bào và các thành phần tế bào như bào quan, nhân, DNA, RNA, nhiễm sắc thể, cytokines, hormone và protein có thể được phát hiện thông qua kỹ thuật này. Việc phân tích các quá trình trong tế bào và chu trình tế bào nhờ việc đo lượng calcium và điện thế màng cũng là một trong các ứng dụng của flow cytometry. Bài viết dưới đây sẽ trình bày kỹ hơn về các thành phần của một máy flow cytometry.

1. Hệ thống dung dịch

     Hệ thống dung dịch có vai trò vận chuyển các tế bào trong một dung dịch đi qua thiết bị để thu được các dữ liệu, hệ thống này bao gồm 2 thành phần: sheath fluid (dòng dung dịch bảo vệ/ dòng dung dịch bên ngoài) và pressurized line (dòng áp suất). Sheath fluid là một dung dịch pha loãng (thông thường là đệm PBS- phosphate-buffered saline), được tiêm vào buồng flow nằm tại trung tâm của thiết bị bởi dòng áp suất. Một áp suất không khí cũng được tiêm vào các tế bào đã được hòa tan trong ống mẫu vào bên trong buồng flow. Dòng mẫu sẽ được đưa vào lõi trung tâm mà xung quang là dòng dung dịch bảo vệ và trở thành dòng lõi (core fluid- một dòng rất hẹp chỉ để từng tế bào hoặc từng hạt đi qua), được tạo ra dựa trên sự khác biệt áp suất giữa dòng dung dịch bên ngoài (sheath fluid) và dòng mẫu (sample fluid), từ đó giúp tập trung tế bào/hạt có trong mẫu thành dòng tế bào đơn để đi qua chùm tia laze. Do đó, quá trình này cho phép chiếu sáng đồng đều mỗi tế bào nên được gọi là quá trình tập trung thủy động lực học (hydrodynamic focusing).


Hình 1: Nguyên tắc hoạt động cơ bản của kỹ thuật flow cytometry.

    Tỷ lệ đưa các tế bào vào chùm tia laze có thể được thực hiện nhờ hệ thống máy flow cytometer dựa trên mục đích của phân tích. Ví dụ, tỉ lệ dòng chảy cao thường sử dụng cho việc đo lường như immunophenotyping ở tế bào động vật có vú, trong khi đó, tỉ lệ dòng chảy thấp thường thích hợp với các ứng dụng yêu cầu độ phân giải cao như phân tích thành phần DNA. Các thông số quan trọng cần thiết thu được nhờ sự tiếp xúc các hạt với chùm tia laze phụ thuộc vào hoạt động tối ưu của các hệ thống dung dịch. Do đó, cần phải đảm bảo rằng không có bong bóng khí và các mảnh vụn trong hệ thống này để áp lực sẽ đồng đều ở mọi thời gian.

2Hệ thống quang học

    Hệ thống quang học trong máy flow cytometry làm nhiệm vụ chiếu ánh sáng kích thích bao gồm đèn laze, thấu kính và bộ phận thu ánh sáng. Thấu kính có vai trò định hình và tập trung chùm tia laze. Ánh sáng laze được tạo ra bằng cách kích thích các điện tử (electron) đang ở trạng thái cơ bản lên trạng thái kích thích có mức năng lượng cao nhờ điện áp, sau một thời gian ngắn (thường là 10-7 – 10-8 giây), các điện tử sẽ trở về trạng thái cơ bản và phát ra năng lượng dưới dạng các photon ánh sáng. Sau khi laze chiếu vào tế bào, những ánh sáng bị chệch hướng so với đường tryền thẳng do gặp phải vật cản được gọi là ánh sáng tán xạ. Có hai loại ánh sáng tán xạ là forward scatter (FSC) và side scatter (SSC). Các yếu tố ảnh hưởng tới sự tán xạ ánh sáng là màng tế bào, nhân, các hạt của tế bào, hình dạng và bề mặt tế bào. Nhìn chung kích thước của tế bào hoặc của một hạt và độ phức tạp bên trong tế bào được đặc hiệu bởi loại tán xạ. Ánh sáng FSC là kết quả của sự nhiễu xạ thu được dọc theo trục của chùm tia tới laze. FSC tỉ lệ với diện tích bề mặt hoặc kích thước tế bào và phù hợp để phát hiện, phân biệt các hạt về kích thước, thường sử dụng phổ biến trong immuophenotyping. Còn ánh sáng SSC bao gồm hầu hết các ánh sáng khúc xạ và nhiễu xạ, được thu ở góc 90o so với chùm tia tới laze. SSC tỉ lệ với thành phần các hạt hoặc độ phức tạp bên trong tế bào. Bên cạnh đó, ánh sáng huỳnh quang có nguồn gốc từ kháng thể hoặc dye đánh dấu huỳnh quang như là PI cũng được phản xạ tại cùng một góc với SSC.

Hình 2: Ánh sáng tán xạ (light scattering). FSC tỉ lệ với kích thước, trong khi đó SSC tỉ lệ với các thành phần và độ phức tạp bên trong tế bào.
    Có rất nhiều cấu hình laze trong máy flow cytometer dựa trên loại chất huỳnh quang được kích thích. Đèn argon laze (một đèn laze thông thường với bước sóng kích thích 488 nm) được sử dụng để kích thích nhiều dye tổng hợp như fluorescein isothiocyanate (FITC) và dye huỳnh quang tự nhiên như tảo và phytoplankton. Rất nhiều máy flow cytometer và sorter có thêm đèn laze có khả năng kích thích chất huỳnh quang ở bước sóng kích thích ở dải sóng UV (300-400nm) hoặc red diode kích thích chất huỳnh quang ở dải sóng đỏ (630 nm).

    Hệ thống thu nhận ánh sáng gồm thấu kính để thu ánh sáng phát ra từ sự tương tác giữa chùm tia laze và hạt; một hệ thống gương và kính lọc để tách và sau đó hướng ánh sáng có bước sóng đặc hiệu đến detector thích hợp.